Discounted Cash Flows - DCF

 Định giá START-UP bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flows - DCF)

Chào mọi người ạ✌️, dạo này Shark Tank mùa 4 bắt đầu diễn ra, rất nhiều START-UP gọi vốn trên chương trình này. Trong đó rất nhiều định nghĩa mới được nhắc đến, hôm nay mình sẽ giải thích về một trong những khái niệm được các shark nhắc rất nhiều khi các START-UP gọi vốn trong chương trình, đó là DCF - một cách định giá doanh nghiệp bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền, hiểu đơn giản tức là nhờ các dòng tiền dự đoán trong tương lai để xác định xem hiện tại doanh nghiệp này trị giá bao nhiêu. Bắt đầu nhé! 😄

1. Khái niệm trước nhé!

Đây là phương pháp định giá doanh nghiệp thông qua việc dự đoán dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp đó rồi chiết khấu về thời điểm hiện tại, với giả định rằng giá trị của doanh nghiệp bằng tổng giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp đó kỳ vọng tạo ra trong tương lai.

Chắc hẳn các bạn không theo tài chính sẽ thắc mắc chiết khấu là gì đúng không?

Chiết khấu là từ một khoản tiền trong tương lai, mình sẽ xem nó tương ứng với bao nhiêu tiền ở hiện tại. Ví dụ nhá: Một khoản tiền tiết kiệm của bạn năm sau nhận được là 110 triệu trong đó có cả tiền gốc và tiền lãi với lãi suất r=10%. Nếu mình chiết khấu về hiện tại thì giá trị của món tiền tiết kiệm này sẽ là 100 triệu (vì nó chưa có lãi đó, hiểu không?)

2. Công thức tính

Trong đó: DCF: Giá trị doanh nghiệp (tức là số tiền đã được bạn chiết khấu về hiện tại)

                CF: Dòng tiền dự kiến của công ty (năm 1,2,...n)

                r: Tỷ lệ chiết khấu

3. Tại sao phải chiết khấu nhỉ?

Nhiều bạn đặt ra câu hỏi, tiền tương lai thì là tương lai, hiện tại là hiện tại, cứ cộng hết vào là ra giá trị công ty cần gì phải tính toán đúng không?

Nhưng không: Tiền ở hiện tại chưa chắc đã giữ được giá trị trong tương lai nhé. VD như hồi xưa cái kem có 500 VNĐ, giờ mình mua kem Merino ở siêu thị có khi đến 30.000 VNĐ đấy. Tiền sẽ bị mất giá theo thời gian nha. 😅

"Đồng tiền ở thời điểm hiện tại có giá trị cao hơn cùng đồng tiền đó trong tương lai”. Nguyên lý này liên quan đến một khái niệm đó là “giá trị thời gian của tiền” (time value of money).

Việc chiết khấu về giá trị hiện tại đảm bảo phản ánh đúng giá trị thực tế của dòng tiền, sau khi đã cân nhắc các yếu tố rủi ro (lạm phát, khủng hoảng,…) để có một định giá hợp lý nhất. Và tất cả các rủi ro đấy sẽ tương đương với r (tức là tỉ lệ chiết khấu nha).

4. Điểm mạnh và điểm yếu của DCF

Điểm mạnh trước nhé!

DCF sẽ định giá doanh nghiệp dựa trên năng lực tài chính trong tương lai (vì toàn là dòng tiền mà đúng không, ở đây chúng ta không xét đến các yếu tố sản xuất, marketing, bán hàng,... đâu nha❌)

Đặc biệt với những start-up công nghệ, họ không có nhiều tài sản cố định thì rất khó để định giá thông qua tài sản, hoặc đang phát triển một thị trường hoàn toàn mới thì rất khó để định giá bằng việc so sánh với các công ty tương tự đúng không? Hơn nữa là những phương pháp này lại chỉ xét đến hiện tại mà không xét đến khía cạnh tương lai.

Vậy là trong những case này thì DCF là phù hợp nhất nhé! Mà start-up thì làm gì có nhiều tài sản với sức mạnh để được so sánh với các công ty cùng ngành lão làng khác đâu. 🤷 Đấy là lý do DCF là phương pháp vô cùng phổ biến được các nhà rót vốn sử dụng để định giá start-up nha.

Rồi điểm yếu này!

Mọi thứ chỉ là DỰ ĐOÁN, không thể chắc chắn 100%, từ CF đến r

Việc dự đoán dòng tiền rất khó bởi một số yếu tố:

➤ Các startup ở giai đoạn early mới thành lập 1-2 năm không có nhiều số liệu trong quá khứ để làm cơ sở dự đoán dòng tiền tương lai;

➤ Rất nhiều startup Việt Nam không làm báo cáo tài chính một cách chuẩn chỉnh, dẫn đến việc thiếu số liệu để dự đoán;

➤ Khác với các doanh nghiệp truyền thống có đồ thị tăng trưởng khá đều (ví dụ mỗi năm tăng trưởng 5%), đồ thị tăng trưởng của startup thường rất đột biến và khó dự đoán (ví dụ 2 năm đầu tăng trưởng 0% và -5%, năm thứ 3 có thể đột ngột tăng trưởng tới 20%).

Dự đoán r cũng không dễ, người ta thường nói biết trước tương lai thì đã giàu là thế đấy 😅

5. Cách định giá doanh nghiệp bằng DCF (phần quan trọng nhất cái blog này đây nhé)

Bước 1: Lên dự toán tài chính cho công ty

Như đã nói ở trên, bạn cần dự đoán năng lực tài chính của công ty trong các năm tới thông qua các dòng tiền. Thường thường các công ty thường dự đoán cho 5-10 năm tới.

Những mục cần dự đoán: Doanh thu, chi phí, đầu tư được thể hiện qua bảng cân đối kế toán, báo cáo dòng tiền, bảng báo cáo profit & loss, và tất nhiên là những KPI của công ty để dự đoán rồi.

Bước 2: Xác định “Dòng tiền tự do” (Free Cash Flows)

Từ từ phải hiểu Free Cash Flows là gì đã!!!

Free Cash Flows: là dòng tiền cần thiết để giữ công ty vận hành trong thời gian ngắn, cụ thể là lượng tiền còn lại của công ty sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí ngắn hạn. 

Cách tính Free Cash Flows:

Bước

Giải thích

1: Bắt đầu với EBIT

EBIT (Earnings before Interests and Taxes) là lợi nhuận trước thuế và lãi suất của doanh nghiệp.

2: Trừ đi các khoản thuế vận hành (operational taxes)

Đây là thuế đánh trực tiếp vào kết quả tài chính của công ty.

3: Điều chỉnh theo các khoản đầu tư (Investment)

Là các khoản đầu tư vào công xưởng, máy móc. Nếu bạn mua máy móc, xây công xưởng, con số này sẽ được trừ đi khỏi Free Cash Flows, và cộng vào lại nếu bạn bán máy móc/ công xưởng ấy đi.

4: Cộng lại Khấu hao (Depreciation)

Khấu hao được tính là chi phí khi tính EBIT trong báo cáo P&L.
Tuy nhiên, khấu hao không phải là dòng tiền thực sự (bởi không có tiền thực sự rời khỏi công ty), nên khoản này cần được cộng lại vào Free Cash Flows.

5: Điều chỉnh lại đầu tư vào Vốn lưu động (Working capital)

Được tính dựa trên Tài sản và Nợ phải trả ngắn hạn. Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn - Nợ phải trả ngắn hạn


 Lấy ví dụ cho dễ hiểu nhé!! 

Ở ví dụ trên, Dòng tiền tự do (Free Cash Flows) được xác định trong khung màu vàng

Free Cash Flow = EBIT- 25%Tax - Investment + Depreciation - Investments in working capital 

Bước 3: Tính các thừa số chiết khấu (Discount factor) 

Thừa số chiết khấu chính là các hạng tử 1/(1+r)^n trong công thức, thể hiện xem CF trong tương lại sẽ được còn lại bao nhiêu phần giá trị ở thời điểm hiện tại. Và bài toán của chúng ta là xác định r. 

Người ta thưởng sử dụng WACC (Weighted Average Cost of Capital – Chi phí sử dụng vốn bình quân) cho r. (Tức là r=WACC ý)  Về căn bản, WACC đại diện cho rủi ro trong tương lai của các dòng tiền, WACC càng cao tương ứng với rủi ro càng lớn, dẫn đến Thừa số chiết khấu càng nhỏ, và định giá doanh nghiệp cũng càng nhỏ.

Như ví dụ trên, ta có thể thấy, với r = WACC = 15%93 triệu USD vào năm 2021 chỉ đáng giá 46 triệu USD vào 2017, tương ứng với thừa số chiết khấu 0.5. 

Với các biến số đã được xác định, ta có tổng Dòng tiền tự do của các năm 2017 – 2021 (sau khi đã chiết khấu về năm 2017) là 61 + 56 + 53 + 53 + 46 = 269 (triệu USD)

Tuy nhiên, tính toán trên mới chỉ là của 5 năm tới thôi. Và tất nhiên không có công ty nào dự kiến đóng cửa sau 5 năm đúng không? Do đó ta cần thêm một bước tính Dòng tiền tự do (Free Cash Flows) của các năm sau đó nữa.

Bước 4: Tính Terminal Value

Terminal Value là giá trị đại diện cho Free Cash Flows của công ty cho những năm sau năm 2021.

Hiểu đơn giản, là tổng các CF/(1+r)^n với n tiến đến dương vô cùng (n>5 nhé vì 5 năm kia mình tính rồi) 

Để tính giới hạn này, ta sẽ giả sử tỷ lệ tăng trưởng CF sau mỗi năm là g. Khi đó Terminal Value sẽ có giá trị là: 

Terminal Value này sẽ được chiết khấu về giá trị hiện tại (năm 2017) với cùng Thừa số chiết khấu của năm thứ 5. Như vậy, giả sử g = 2%, ta có Terminal Value ~ 730 (triệu USD), sau khi chiết khấu về năm 2017 với thừa số chiết khấu 0.5, ta được 365 (triệu USD)

 

Bước 5: Cộng các dòng tiền đã chiết khấu lại với nhau 

Với các dòng tiền đã chiết khấu, ta chỉ cần cộng chúng lại với nhau là ra được định giá của startup theo phương pháp DCF. Cụ thể định giá trong ví dụ này là:

61 + 56 + 53 + 53 + 46 + 365 = 634 (triệu USD). 

TỔNG KẾT 

Như vậy mình đã truyền đạt xong cho mọi người hiểu thế nào là DCF và cách tính để định giá doanh nghiệp rồi đấy. Như mình đã nói, với đặc thù là dự đoán tương lai, phương pháp này đi kèm với nhiều tranh cãi giữa founder và nhà đầu tư vì mỗi người dự đoán r và CF khác nhau. Vì vậy mọi người nhớ cân nhắc khi sử dụng hoặc sử dụng song song với các phương pháp định giá khác để có kết quả tối ưu nhất nhé!!😉😉

Cảm ơn mọi người vì đã đọc đến đei nha. 😅😍

Nhận xét

Đăng nhận xét